Trưởng thành từ vùng đất văn hiến
Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm sinh ngày mùng 01 tháng 06 năm 1950 tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Vùng đất bấy lâu đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhiều thế hệ tài năng, nhiều danh nhân nổi tiếng. Bà đã trở thành thần tượng của nhiểu thế hệ học trò, vừa giỏi giang lại vừa thân thiện dễ gần. Bà đối với mọi người như một người bạn, bà đối với sinh viên như một người mẹ, bà để lại trong lòng người khác là những ấn tượng sâu đậm, khó quên trong từng cử chỉ ân cần, che chở và tính cách đẹp dung dị, dễ gần, hiền tuệ nhưng lại rất khiêm nhường. Có lẽ chính vì thế mà nhiều năm qua dù công tác ở cương vị nào bà cũng nhận được sự yêu mến và tin tưởng từ cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp…
Năm 1969, Trần Thị Thanh Liêm khăn gói rời quê hương đến với mảnh đất thủ đô tìm đường soi sáng tri thức, với những nỗ lực từng ngày từng giờ của mình, 1973 bà đã tốt nghiệp xuất sắc Chuyên ngành Tiếng Trung Quốc Đại học Ngoại ngữ nay là Đại học Hà Nội và được giữ lại làm giảng viên tiếng Trung Quốc tại trường. Bước khởi đầu cho sự nghiệp, cũng là cơ hội để tìm kiếm và trau dồi tri thức nhiều hơn cho bản thân; với cương vị của mình bà bắt đầu xây dựng lòng tin và đồng thời cố gắng xây dựng những phương pháp học tập và giảng dạy tốt nhất cho sinh viên.
Vào giai đoạn năm 1983 -1985, bà tham gia học tập thêm và tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Việt (Hàm thụ) tại đại học Tổng hợp Hà Nội, và có một năm làm Chuyên gia Tiếng Việt tại ĐHNN Phnompenh, Campuchia. Đó là cơ hội và cũng là những thách thức trong sự nghiệp của bà, nhưng có lẽ cơ hội được học hỏi thì nhiều hơn là thách thức bởi đối với bà chẳng có điều gì khó khăn nếu ta thực sự đem hết tâm huyết của bản thân để thực hiện.
Sau thời gian này, năm 1985 – 1994, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm tiếp tục tham gia giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Đại học Hà Nội.
Sau một thời gian bà lại có cơ hội được xuất ngoại khi tham gia Tiến tu tại Học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh (NNBK), nay là ĐHNNBK (1994 – 1995).
Đến hè năm 1995, bà trở thành giảng viên dạy tiếng Việt tại Korea Hàn Quốc, một vinh dự và cũng chứng thực được khả năng cùng phương pháp giảng dạy xuất sắc để được tín nhiệm giao phó trọng trách.
Từ 1995 – 1997, Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm tham gia khóa học Thạc sĩ tại ĐH Quốc tế Châu Á (ĐHQTCA).
Từ năm 1997, bà đảm nhận chức vụ Trưởng Bộ môn tiếng Trung Quốc tại ĐHQTCA, Đại học Hà Nội.
Đến hè năm 1998, bà được mời tham gia giảng dạy Chuyên đề Văn hóa Trung Quốc tại Tokyo Nhật Bản, sau đó lại quay trở về giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Đại học Hà Nội cho đến năm 2005. Là GV chính của Đại Học Hà Nội và cũng là giảng viên mời giảng của nhiều tổ chức trong nước và nước ngoài, bà đưa ra mục tiêu và tôn chỉ trong công tác giảng dạy của mình bằng trí tuệ, tâm huyết, bằng trái tim nhiệt tình, đem tất cả những tri thức mình có truyền thụ lại cho lớp trẻ. Chính vì thế, dù giảng dạy ở đâu bà cũng nhận được sự tin yêu và kính trọng từ đồng nghiệp và sinh viên.
Từ năm 2005, Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm chính thức nghỉ hưu nhưng bà vẫn tích cực tham gia giảng dạy và đảm nhận một số chức vụ tại một số đơn vị. Từ năm 2005 đến năm 2007, bà là Trưởng Bộ môn tiếng Trung Quốc tại ĐH Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội
Từ năm 2007 đến tháng 8/2019, bà làm Trưởng ngành tiếng Trung Quốc, Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ Đại Học Đại Nam.
Vào năm 2009, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm tham gia Báo cáo chuyên đề Đối chiếu tiếng Việt – tiếng Hán và Phương pháp dịch Việt Hán – Hán Việt (Kỷ yếu Tọa đàm Đối chiếu tiếng Việt – tiếng Hán và Phương pháp dịch Việt Hán – Hán Việt) tại Học viện Sư phạm (SP) Liễu Châu, Quảng Tây TQ ngày 8 tháng 12 năm 2009, đồng thời bà được Học viện SP Liễu Châu TQ trao Giấy mời làm Cố vấn Phát triển Hợp tác Giáo dục với Việt Nam (VN) từ 2009 đến nay. Đứng trên cương vị là một nhà nghiên cứu trực tiếp tham gia giảng dạy bà sẵn sàng bỏ thời gian nghỉ hưu để cống hiến, điều ấy như một niềm vui chứ không phải là nghĩa vụ, chỉ cần còn sức khỏe thì mọi lời mời đúng với chuyên môn đều được hết lòng đồng thuận. Những điều ấy với bà hay đối với người khác đều là điều đáng được trân trọng.
Tháng 8/2019 bà về làm Trưởng Khoa Ngôn ngữ Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội.
Những cống hiến to lớn
Không chỉ là một giảng viên tận tâm, hiền từ và dịu dàng, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm còn dành rất nhiều tâm huyết cho những cuốn giáo trình, từ điển và sách chuyên khảo. Bà ngoài là một người phụ nữ đảm đang – Gia đình hiếu học, bà còn là một nhà giáo mẫu mực trong giảng dạy, quan tâm lo lắng cho sinh viên cả trong học tập và trong cuộc sống. Cũng không biết được vòng tay bà rộng lớn đến mức nào, chỉ biết được rằng bà đã mang gần như hết cả tâm huyết của mình cho công việc, cho học trò. Để đạt được nhiều thành tựu như vậy là điều không hề dễ dàng, thế nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy đã làm được và còn làm rất tốt.
Bên cạnh những cuốn giáo trình chuyên ngành tiếng Hán, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm còn tập trung biên soạn các cuốn từ điển và sách biên soạn có giá trị cho ngành: TĐ Hán Việt, TTTL, CB, NXB Khoa học Xã hội, 2007; TĐ Thành ngữ Hán Việt, TTTL, NXB Lao động, 2009; TĐ Hán Việt hiện đại, TTTL, NXB VHTT, 2003; TĐ viết chữ Hán, ĐTG, NXB VHTT, 2002; TĐ Thành ngữ Tục ngữ Hán Việt, Trần Thị Thanh Liêm – Nguyễn Bích Hằng, NXB VHTT, 2002; TĐ Đồng nghĩa Trái nghĩa Hán Việt, ĐTG, NXBVHTT, 2003. Từ điển Việt Trung hiện đại, ĐTG, NXBVHTT, 2006; Kinh điển Văn hóa 5000 Trung Hoa, 4 tập – CBD, NXBVHTT, 2002; Ngữ pháp tiếng Hoa, TTTL – Vũ Thu Thủy, NXB Hà Nội, 2003; Ngữ pháp tiếng Hán, TTTL, NXB ĐHQG, 2005; Văn hóa Thế giới – Văn hóa Phương Đông, TTTL – Trương Ngọc Quỳnh, NXB Lao động Xã hội, 2013; Luyện dịch Hoa Việt – Việt Hoa, TTTL – Hoàng Trà (1) TTTL – Trần Hoài Thu (2) BS, NXBVHTT, 2008; 345 câu Khẩu ngữ tiếng Hán (3 tập, CD), TTTL, NXB ĐHQG, 2015; Nghe hiểu tiếng Hán (3 tập), TTTL, CBD, NXB VHTT, 2013; Luyện Ngữ âm tiếng Hán, Chu Quang Thắng – TTTL, NXB Từ điển Bách khoa, 2009; Phong tục tập quán VN và thế giới (5 tập), Thanh Liêm, NXBVHTT, 2007; Vương triều Ung Chính (10 tập), ĐDG, NXB Hội nhà văn (HNV) 2003, v.v… Tuyển tập Danh ngôn Thế giới (2 tập, BS), TTTL – Trương Ngọc Quỳnh, NXB Thanh Niên, 2012; Người đẹp bất hạnh, ĐDG, NXB Lao động, 2000; v.v…
Ngoài giảng dạy tiếng TQ và tiếng VN, nghiên cứu, BS GT, TĐ và sách chuyên khảo ra, bà còn là một dich giả kỳ cựu, là cầu nối cho nhiều trường học, công ty đầu tư hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Trung. Bà từng có vinh dự tham gia dịch thuật cho các vị lãnh đạo nhà nước như Cố Phó CT Hội đồng Nhà nước (nay gọi là Phó thủ tướng) Đàm Quang Trung, Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, v.v…
Bà từng khẳng định: Trách nhiệm lớn lao mà nhà trường giao cho các thầy cô ngoại ngữ là đào tạo ra những GV, những cán bộ biên phiên dịch cho tương lai, nên GV Ngoại ngữ chúng tôi luôn xác định cho mình rằng: khả năng thì có hạn nhưng nhiệt tình làm việc vì SV thân yêu và tấm lòng thực sự cầu thị thì vô hạn. Bởi vì: Dịch là một nghệ thuật, người dịch trước hết phải đi tìm cái đẹp. Cũng giống như người sáng tác đi tìm cái đẹp ở cuộc đời để tạo nên tác phẩm, người dịch tìm cái đẹp trong tác phẩm đã sẵn có của ngôn ngữ nào đó, tái tạo ra bản dịch, tức là làm ra một tác phẩm mới ở một ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc một ngôn ngữ thứ hai. Cái đẹp trong cuộc đời có thành tác phẩm văn chương hay không phải nhờ tài của người cầm bút sáng tác. Cái đẹp tìm thấy ở tác phẩm đã có sẵn có trở thành cái đẹp trong bản dịch hay không lại phải nhờ cái tài của người dịch. Ví người dịch như người thợ kim hoàn biến đá quặng thành đồ trang sức lộng lẫy? Công việc dịch có khi còn khó hơn kia – ở đây là công việc tái tạo một tác phẩm đã có sẵn thành tác phẩm bằng một chất liệu khác hơn. Ví người dịch như người diễn viên thể hiện vai diễn viết trong kịch bản có lẽ là sát hơn chăng?
Bà nói nghề phiên biên dịch rất công phu, không đơn giản chút nào. Muốn làm một dịch giả, một thông ngôn không phải dễ. Chính vì vậy bà đã luôn nghiêm túc trong giảng dạy và đề ra yêu cầu học tập và rèn luyện kỹ năng dịch đối với SV rất cao: Dịch xong một bài, một câu thường phải sửa chữa nhiều lần. Nhà thơ Nga Joseph Brodsky (giải Nobel Văn học 1987) nói rằng hầu hết các bài thơ, ông phải sửa tới 100 lần. Người dịch văn cũng phải có tinh thần lao động nghiêm túc như vậy.
Ngoài thời gian bộn bề với công việc giảng dạy, việc biên soạn biên dịch sách và những đề tài nghiên cứu khoa học, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm còn có được thêm niềm vui trong cuộc sống bằng cách tìm đến với những vần thơ, những câu thơ chất chứa tình cảm, trào dâng cảm xúc, mang hơi thở cuộc sống của bà hòa quyện với mọi người tìm đến những điều tuyệt diệu nhất mà bên những bộn bề công việc bà không có được. Tuy bà biết rằng người làm thơ đòi hỏi phải có năng khiếu thẩm mỹ, quan trọng nhất là cảm xúc phải mãnh liệt, trí tưởng tượng bay bổng, đắm say, đặc biệt là suy tưởng phải có chiều sâu và tầm khái quát cao, cuối cùng là sự khổ luyện suốt đời không mệt mỏi…
Những trải nghiệm thú vị, những khát khao cống hiến,… của bà đã đem đến cho bà những niềm vui nhỏ bé, đã được vun đắp bằng những tập thơ: Thơ Hương xưa, NXB Văn học, 2013, ĐTG; Gương mặt thơ VN đương đại, NXB VHTT, 2013; Thơ Đường luật VN, NXB Hội nhà văn (HNV), 2011 ĐTG; Lộc phát, NXB Công an Nhân dân: 2011, 2012, 2013, ĐTG; Thơ 2 – Tủ sách Nhà văn NXB HNV, 2012, ĐTG; Thơ nhà giáo, NXB Văn hóa Dân tộc, 2012, ĐTG, nhiều tâp,… Nhà giáo TTTL còn có rất nhiều sách BS, sách dịch, video giảng dạy tiếng TQ, nhiều bài nghiên cứu tham gia Hội thảo Quốc tế, Tạp chí khoa học, Tạp chí Ngôn ngữ trong & ngoài nước,…
Đứng trên cương vị là một người Việt bà đã từng giúp đỡ một người lính Mỹ tìm lại niềm vui được giúp đỡ nhiều người tàn tật, hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Bà coi ông như một người bạn chứ không phải là kẻ thù bởi chiến tranh đã đi vào quá khứ. Chính bà – người tạo nên trong người lính ấy cái lòng thanh thản được làm những việc tốt như một sự hối lỗi về những tội ác năm xưa. Gianas – tên người lính Mỹ, đã cảm nhận được lòng vị tha, sự nhân đạo trong bà, coi bà như biểu tượng cao cả và như người mẹ hiền tự đáy lòng ông. Câu chuyện của bà với Gianas đã được báo chí nhắc đến nhiều: sự biết ơn, cách nhìn về con người Việt, tâm hồn con người Việt được bà xây dựng, được truyền cảm hứng tới ông nó thực sự đẹp đẽ và hết sức thanh cao. Không chỉ có câu chuyện trên, nhà giáo dịu dàng, tài năng ấy giờ đây còn là thần tượng của biết bao SV Trường đại học Đại Nam – nơi bà từng giúp cô bé SV Hà Lệ Quyên nộp học phí, không phải vì bà giàu có mà vì thương SV, thấu hiểu và coi các em như những đứa con của mình. Đứng trước những điều bất hạnh bà không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Từng người gặp bà, biết bà, hiểu bà và rồi cũng coi bà như một thần tượng vô điều kiện, như thể từ một niềm cảm phục tấm lòng, tài năng và cả nhân cách của bà vậy.
Trước những cống hiến to lớn cho ngành, cho đời, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm đã vinh dự nhận được nhiều lời khen, giấy khen, huy chương và giải thưởng ở các cuộc thi cả về chuyên ngành và cả về thơ, trong đó có: Giải Khuyến khích Cuộc thi Thơ Đường luật lần 1 năm 2013 của Diễn đàn Thơ VN Thi hữu www.vnthihuu.net với bài thơ Thương Mẹ; Giải ba Cuộc thi thơ toàn quốc “Việt Nam trong tôi” năm 2017 với tác phẩm Lính Thủy Trường Sa; Huy chương Vì Sự nghiệp Giáo dục và Huy chương Vì Nghĩa vụ Quốc tế.
Nhà giáo – Dịch giả – Nhà nghiên cứu Trần Thị Thanh Liêm là một trong những người đã chứng tỏ phụ nữ chưa bao giờ là kẻ yếu thế. Tất cả những điều người khác làm được thì bà cũng đều có thể. Cổ nhân nói: Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất sắc biết minh họa, người thầy xuất chúng biết cách truyền cảm hứng. Với sự nỗ lực không mệt mỏi và tài năng truyền cảm hứng của mình, bà đã gây dựng nên một tấm gương sáng cho những thế hệ SV mai sau. Không phải cố tình hay cố ý mà chỉ đơn giản là dốc hết sức mình hoàn thiện con người mình về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm trong mọi mặt của cuộc sống, và sự kính trọng cũng không thể nằm ngoài sự hiền tuệ, cái nhân hậu, nết dịu dàng và tấm lòng sẻ chia, cảm thông từ bà đối với mọi người. Bà xứng đáng là người mẹ dịu hiền của rất nhiều thế hệ học trò, nuôi dưỡng tâm hồn và là tấm gương sáng cho các thế hệ SV học tập noi theo.
TG: Mạnh Cường – Đỗ Loan