Rất nhiều Sinh viên ngành Du lịch băn khoăn chọn nghề đúng hay chưa, vì tốt nghiệp ra trường có dễ tìm việc không, các doanh nghiệp cần sinh viên những kỹ năng sống cơ bản gì, tại sao điều kiện đầu tiên ở nhiều đơn vị tuyển dụng thường là cần người có kinh nghiệm, làm du lịch lương có cao không, có cần ngoại hình không…?
Sinh viên ngành du lịch chọn nghề đúng chưa?
Theo báo cáo tại Ngày hội tuyển dụng Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn ngày 11/10/2018 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP HCM phối hợp với Chefjob.vn tổ chức tại TP HCM, hiện nay nước ta mỗi năm thiếu 20.000 lao động chuyên ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn.
Doanh thu của ngành du lịch hiện tại là 18 tỷ USD, theo đà tăng trưởng đến năm 2020 ước tính khoảng 35 tỷ USD. Hàng loạt các khách sạn 5 sao liên tục được các doanh nghiệp lớn đầu tư đưa vào hoạt động, ví dụ như VinGroup, SunGroup, FLC, Saigontourist… Cùng với đó là xu hướng nhiều thương hiệu quốc tế hàng đầu về bất động sản du lịch như: Accor, JW Marriott, Hyatt, InterContinental, Four Seasons… đã và đang rốt ráo tăng thêm thị phần tại Việt Nam, góp phần tạo nên sự cạnh tranh đa dạng, hấp dẫn nhưng cũng không kém phần khốc liệt.
Sinh viên HIC học cách làm việc nhóm hiệu quả
Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực yếu và thiếu hiện nay của chúng ta là rào cản lớn cho sự phát triển của ngành du lịch. Có một nghịch lý là ngành dịch vụ của chúng ta không thiếu nhân công mà chỉ thiếu nhân công lành nghề. Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên phần lớn là do việc đào tạo trong ngành chưa đủ thực tế, chưa bám theo nhu cầu chính yếu của thị trường. Đào tạo thường tập trung vào lý thuyết mà yếu về thực hành. Cách đào tạo, giảng dạy này đi ngược với xu thế quốc tế, vì vậy sinh viên của chúng ta ra trường thua kém các nước trong khu vực về nhiều kỹ năng.
Cần trang bị cho Sinh viên ngành Du lịch những kỹ năng gì?
Kĩ năng giao tiếp
Đối với một người hướng dẫn viên, công việc đầu tiên là phải có kĩ năng giao tiếp, bởi tính chất công việc của họ là tiếp xúc, hướng dẫn trực tiếp cho du khách về địa điểm mà mình hướng dẫn khách, hơn hết kĩ năng giao tiếp sẽ giúp cho người hướng dẫn viên ứng biến với các tình huống bất trắc xảy ra một cách nhanh nhất hiệu quả nhất và ổn thỏa nhất. Để có những kĩ năng này trước hết bạn cần phải có một kiến thức chuyên môn tốt sau đó là sự tự tin của bản thân, bạn sẽ trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp nếu bạn biết giao tiếp là điều tất yếu cơ bản đầu tiên để thành công trong lĩnh vực này.
Kỹ năng thuyết trình trước đám đông
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người hướng dẫn viên du lịch chính là truyền tải thông tin đến du khách. Một hướng dẫn viên du lịch giỏi nghiệp vụ vừa phải nắm bắt được tâm lý du khách, vừa phải thông thuộc các kỹ năng thuyết trình và phải tạo được sự truyền cảm trong những bài thuyết trình của bạn. Nếu bạn chỉ đơn giản truyền tải thông tin bằng một giọng văn đều đều “ru ngủ” theo những nội dung đã được chuẩn bị sẵn thì sẽ chỉ đem đến sự nhàm chán cho du khách.
Kỹ năng làm chủ cảm xúc
Là một người hướng dẫn viên du lịch, công việc của bạn giống nhứ là “làm dâu trăm họ”, bạn phải luôn luôn trong tâm thế vui vẻ, cởi mở, thoải mái để phục vụ du khách được tốt nhất.
Bạn phải luôn luôn điềm tĩnh trước mọi tình huống, dù có xảy ra chuyện gì cũng phải giữ thái độ lịch thiệp với du khách. Bạn phải tạo cho du khách sự an tâm và thoải mái khi đồng hành với mình. Đây chính là một kỹ năng mềm cần thiết mà bạn phải luôn cố gắng trau dồi để thành công trong công việc này.
Kỹ năng quan sát
Điều này nói ra nghe có vẻ bình thường, nhưng thực ra nó lại là một kỹ năng khá quan trọng. Quan sát không chỉ là nhìn, mà phải là “nắm bắt” – nhìn và thu nhận được gì. Giao tiếp ứng xử không phải lúc nào cũng được thực hiện qua ngôn ngữ nói, mà nhiều khi là một cử chỉ, là một ánh mắt, là một cái nhíu mày, hay cái bĩu môi,… Nếu là người giỏi quan sát, bạn sẽ thấy trong hàng chục khuôn mặt có thể có những nét biểu cảm khác nhau, bạn sẽ “đo” được chỉ số cảm xúc của khách đang như thế nào, từ đó sẽ giúp bạn điều chỉnh ứng xử để thay đổi cảm xúc du khách theo hướng tích cực hơn.
Biết cách tổ chức sắp xếp
Những tour du lịch trong công ty bạn thường được lên kế hoạch sắp xếp cụ thể về địa điểm, thời gian,… để thể hiện sự chuyên nghiệp của những người làm du lịch và thuận tiện hơn cho người hướng dẫn. Nhưng không vì thế mà bạn cứ đinh ninh rằng chỉ cần làm theo bảng kế hoạch là được. Không phải chuyến đi nào cũng đều thuận lợi như ý muốn, sẽ có những trục trặc nhỏ về thời gian hay thay đổi về vấn đề gì đó buộc bạn cần phải linh hoạt thay đổi lịch trình và ứng biến thật nhanh chóng không để du khách phải đợi lâu vì nguời hướng dẫn của họ lúng túng không biết phải làm gì tiếp theo.
Vốn ngoại ngữ
Trong thời kì hội nhập như hiện nay, mọi bạn trẻ nên giữ cho mình vốn ngoại ngữ để trở thành một người trẻ hiện đại văn minh, và đương nhiên người hướng dẫn viên du lịch thì không thể thiếu rồi. Với thời kì hội nhập và phát triển như hiện nay, du lịch Việt Nam đã và đang phát triển, khách nước ngoài biết đến nước ta nhiều hơn với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, vì vậy để trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp bạn cần phải trau dồi vốn tiếng Anh của mình và các thứ tiếng khác tùy vào lượng khách du lịch đến với Việt Nam là nước nào. Ngoại ngữ là yếu tố cơ sở nhất cho ngành hướng dẫn viên du lịch đấy.
Kỹ năng ứng biến/xử lý tình huống
Dù có lên kế hoạch chu đáo và hoàn mỹ đến đâu, thì trên những chặng hành trình thực tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ như ta mong đợi – nhất là đối với những hành trình du lịch khám phá hoặc du lịch mạo hiểm. Vì vậy, kỹ năng ứng biến hay có thể gọi là kỹ năng “phản ứng nhanh” sẽ giúp cho người hướng dẫn viên luôn làm chủ được tình thế khi có những rủi ro ngoài mong đợi xảy ra.
Chắc chắn, một người hướng dẫn viên du lịch nhanh nhạy trong việc xử lý các tình huống ngoài lề sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp và sự tin tưởng trong lòng du khách hơn là một anh lớ ngớ như “gà mắc tóc”.
Bạn đã đi du lịch theo tour, đã từng tiếp xúc với nhiều hướng dẫn viên khác nhau. Và, chắc hẳn cũng đã từng thấy yêu mến cũng như “chán” một anh hay một cô hướng dẫn viên nào đó… Điều gì làm lên sự khác biệt giữa một người hướng dẫn viên giỏi và người hướng dẫn viên chưa giỏi? Đó chính là những kỹ năng mềm. Sinh viên ngành du lịch cần rèn luyện các kỹ năng trên ngay từ bây giờ để có nhiều cơ hội nghề nghiệp khi ra trường. Đừng bỏ phí thời gian trong hành trình đến thành công, bạn nhé!