
Duyên nghề
PGS.TS. Phạm Văn Hiếu sinh năm 1982 trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Tốt nghiệp THPT, thầy học Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ nhất là sinh viên, thầy đã được chọn vào tham gia Nhóm nghiên cứu của Thầy Đặng Phong – Nguyên chủ nhiệm Khoa Kinh tế – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (nguyên Trưởng Phòng Lịch sử Kinh tế – Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Trong quá trình này thầy đã tiếp cận các phương pháp nghiên cứu, điều tra khảo sát, phỏng vấn và cùng tham gia viết một số chuyên đề trong sách “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới” và “Tư duy kinh tế Việt Nam”… Đến năm 2007, thầy tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, sau đó được giữ lại Trường làm trợ lý, kiêm giảng viên của Khoa Kinh tế. Nghề giáo bắt đầu từ đó!

PGS.TS. Phạm Văn Hiếu (bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Thầy Đặng Phong.
Tại đây, thầy tiếp tục học cao học năm 2012 nhận bằng Thạc sĩ, ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Rồi thầy tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Xã hội, năm 2016 nhận bằng Tiến sĩ ngành Kinh tế học, chuyên ngành Kinh tế phát triển.
Được tín nhiệm, thầy Phạm Văn Hiếu đã được bổ nhiệm: Phó Trưởng Bộ môn Quản lý nhà nước về kinh tế, Khoa Kinh tế – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đúng là nghề chọn người! Đến nay, thầy Hiếu đã công bố nhiều bài báo khoa học, chương sách, nghiên cứu về: (1) Nghiên cứu các vấn đề lao động, việc làm quản trị nguồn nhân lực, phát triển bền vững; (2) Nghiên cứu các vấn đề quản trị doanh nghiệp, kinh tế quốc tế, liên kết doanh nghiệp và kinh tế xã hội;… Thầy được các thầy cô và đồng nghiệp trân quý, sinh viên, học viên quý mến. Vậy nên, năm 2023, TS. Phạm Văn Hiếu vinh dự được công nhận chức danh Phó Giáo sư ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế học.
Chuyên tâm với nghề giáo cao quý!
Đồng nghiệp, sinh viên, học viên đã và đang làm việc với thầy, đều có chung cảm nhận: “Thầy giáo Phạm Văn Hiếu là một giảng viên mẫu mực, tâm huyết và đầy trách nhiệm. Ở bất kỳ cương vị nào, thầy Hiếu luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Thầy thường xuyên đổi mới về phương pháp, cập nhật về nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đặc biệt chú trọng phát triển khả năng tư duy độc lập, cũng như rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho học trò”.
PGS.TS. Phạm Văn Hiếu và Ban lãnh đạo trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội
Đến năm 2023, PGS.TS. Phạm Văn Hiếu đã hướng dẫn 01 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ và 03 nghiên cứu sinh đang triển khai Luận án; đã hướng dẫn thành công 11 học viên cao học nhận bằng Thạc sĩ Kinh tế. Thầy đã hoàn thành 06 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp trong đó có 01 đề tài đang triển khai; Thầy làm chủ nhiệm 03 đề tài cấp Cơ sở, Thư ký 01 đề tài cấp Viện, thành viên 2 đề tài cấp Tỉnh, Bộ; Đã công bố 45 bài báo khoa học, trong đó 10 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (có trong danh mục Scopus, ISI); Thầy còn xuất bản 10 sách chuyên khảo, giáo trình, tham khảo, được sinh viên, học viên nhiệt tình đón đọc.
Trong tâm niệm của mình, thầy Hiếu luôn mong muốn truyền động lực cho sinh viên, học viên trong học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển nghề nghiệp. Thầy cũng mong muốn các thế hệ sinh viên phát huy tinh thần của tuổi trẻ để đóng góp sức lực và trí tuệ cho ngành Kinh tế.
PGS.TS. Phạm Văn Hiếu và sinh viên khoa Kinh tế HIC tham dự hội thảo “Thương hiệu Việt trong thời kỳ hội nhập”
Đặc biệt, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng như hiện nay, thầy chia sẻ luôn nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong việc tìm kiếm và tái thiết các chương trình đào tạo mới theo các chuẩn mực quốc tế, hướng đến chia sẻ nền tảng tri thức, giúp người học nói chung và các doanh nghiệp nói riêng có phương pháp phù hợp hơn trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.
Nụ cười tươi, vui vẻ trong từng câu chuyện cũng đủ những ấn tượng đẹp về Phó Giáo sư Phạm Văn Hiếu trong suy nghĩ của tôi về nhà giáo tận tâm, luôn nỗ lực vì sinh viên, vì ngành, vì khoa học. Chúc thầy Hiếu vững tin và thành công hơn nữa trên con đường đã chọn. Và “Nghề giáo” như một duyên định trong cuộc đời thầy.
Theo vietnamhoinhap.vn