(GDVN) – Nếu tình huống dịch còn kéo dài tiếp tục, để tiến hành xét tốt nghiệp Trung học phổ thông thì quy trình ra sao?
Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, học sinh trên cả nước phải tiếp tục nghỉ học. Khi nào, học sinh có thể quay trở lại trường học bình thường cũng chưa ai có thể khẳng định được.
Vì thế, đã có những ý kiến đề xuất nên tính đến phương án xét tốt nghiệp Trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp năm 2020.
Tuy nhiên, theo của Luật Giáo dục sửa đổi (hiệu lực 1/7/2020), học sinh học hết chương trình Trung học phổ thông, đủ điều kiện theo quy định của Bộ thì được dự thi, đạt yêu cầu được cấp bằng tốt nghiệp.
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 34 quy định: “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”.
Tới thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh kế hoạch năm học 2019-2020. Lần điều chỉnh mới nhất, chương trình năm học kết thúc giữa tháng 7. Trên thực tế, học sinh lớp 12 mới chỉ hoàn thành chương trình học kỳ I.
Thời điểm dự kiến kết thúc năm học theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục sửa đổi đã có hiệu lực. Nên theo Luật quy định, học sinh muốn được cấp bằng tốt nghiệp phải dự thi.
Do vậy, nhiều độc giả Giáo dục Việt Nam băn khoăn, nếu tình huống dịch còn kéo dài tiếp tục, để tiến hành xét tốt nghiệp Trung học phổ thông thì quy trình ra sao để không trái luật?
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương – Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, ngày 1/4, Thủ tướng đã quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc và đã có những biện pháp rất mạnh để hạn chế sự lây lan trong cộng đồng, tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi dịch.
Đảng, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để chấm dứt sự lây lan của Covid-19.
Vừa rồi, đa số học sinh trên cả nước đã nghỉ số thời gian tương đương với thời gian nghỉ hè, sắp tới nếu dịch chấm dứt, thì học sinh có thể học bù vào thời gian đó và không có nghỉ hè nữa.
Nếu như vậy, học sinh có thể hoàn thành chương trình và tiếp tục thi như mọi năm và được cấp bằng.
“Nếu trong trường hợp tháng 5 vẫn còn dịch, học sinh vẫn phải nghỉ học tiếp thì khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản đề xuất, kiến nghị với Chính phủ. Và Chính phủ sẽ có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội.
Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc này. Thẩm quyền này là của Quốc hội.
Đây là tình huống bất khả kháng do dịch bệnh xảy ra”.
Trước đó, ông Nguyễn Túc – nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Dịch bệnh Covid-19 kéo dài cũng là tình huống khẩn cấp, bất khả kháng.
Hiện nay, song song với sự năng động của các trường Trung học phổ thông là dạy online, các địa phương dạy và ôn tập lớp 12 qua truyền hình thì hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xét tốt nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông.
Với bối cảnh hiện nay, nên suy nghĩ đến hướng đó để có sự chuẩn bị cho các cơ sở giáo dục phổ thông và cả các cơ sở giáo dục đại học có sự tính toán, lên phương án tuyển sinh phù hợp”, ông Túc nêu quan điểm.
Ông Túc dẫn lời Thủ tướng Chính phủ là “Chống dịch như chống giặc”, chúng ta phải ưu tiên chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân, học sinh.
“Có phương án sớm cũng là giảm bớt sự lo lắng cho học sinh, thầy cô và phụ huynh”, ông Túc nói.
Nguồn giaoduc.net.vn
Ban Truyền thông