Không phải chỉ những học sinh bình thường mới gặp khó khăn khi chọn trường, nghề, ngành học, nhiều em có học lực khá giỏi vẫn có thể mắc sai lầm khi đứng trước ngưỡng cửa tương lai. Dưới đây là những sai lầm phổ biến của các bạn trẻ khi chọn trường và ngành học.
Lựa chọn theo mong muốn của cha mẹ
“Người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới” là câu nói hài hước, nhưng cũng đầy chua xót trước thực trạng cha mẹ quyết định thay con cái trong nhiều vấn đề của cuộc sống, bao gồm cả định hướng nghề nghiệp.
Định hướng nghề nghiệp để tương lai con tốt đẹp hơn là ước vọng chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nếu mong muốn của cha mẹ khiến bạn phải gồng mình làm điều không thích, lựa chọn ngành nghề vượt quá khả năng bản thân thì hãy mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình.
Thay vì nhắm mắt “chọn bừa”, bạn hãy trò chuyện cùng cha mẹ để tìm ra tiếng nói chung. Hãy nhớ rằng, bạn mới là người sống với quyết định của mình mỗi ngày và chỉ bạn mới biết con đường nào mình muốn đi, cũng như có thể đi xa nhất.
Chạy theo đám đông
Những năm gần đây, không ít học sinh có xu hướng chọn trường và ngành học “hot”, được nhiều người lựa chọn, với hy vọng dễ tìm việc làm cùng mức lương cao sau khi tốt nghiệp.
Song thực tế, các ngành học “hot” cũng sẽ “nguội” rất nhanh bởi thị hiếu của xã hội luôn không ngừng thay đổi. Ngành học có thể “hot” ở thời điểm hiện tại rất có thể sẽ bão hòa nhân lực sau khoảng 3-4 năm. Vì vậy, đừng chọn ngành theo xu thế trừ khi bạn thật sự yêu thích và muốn theo đuổi chúng.
Tham khảo các dự báo nhu cầu ngành nghề cũng phải rất thận trọng vì các dự báo thường không chính xác (cũng dễ hiểu thôi làm sao ai có thể nói chính xác chuyện gì có thể xảy ra sau 4 năm). Các dự báo cũng tạo nên hiệu ứng “đám đông” khi nhiều học sinh chạy theo dự báo làm cung lớn hơn cầu.
Thích nhưng chưa hiểu
Đam mê rất cần thiết khi chọn trường, ngành học, nhưng năng lực mới là điều quan trọng. Bạn cần xác định được năng lực của bản thân và cân nhắc mức độ phù hợp giữa khả năng của chính mình với niềm đam mê riêng. Mỗi ngành nghề đều có đặc thù, tính chất và yêu cầu khác nhau. Nếu đam mê và năng lực không đi đôi với nhau thì bạn sẽ rất khó đạt được thành công trong tương lai.
Để tìm hiểu về ngành nghề, bạn nhớ tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô, hỏi thăm ý kiến các anh chị năm trước. Nhớ tránh đi từ thái cực “chỉ biết nghe lời cha mẹ” hay “chạy theo đám đông” sang thái cực khác “chỉ theo sở thích của riêng mình”.
Chọn trường mà quên chọn chương trình
Nhiều bạn chọn trường chỉ lo so sánh trường gần hay trường xa, học phí thấp hay cao mà quên xem chương trình học mà mình sẽ theo học trong 3,4 năm.
Theo xu hướng tự chủ, hiện nay các trường đều tự quyết định chương trình học của mình. Có trường đào tạo theo hướng hàn lâm, có trường đào tạo theo hướng ứng dụng, có trường dạy theo chuẩn quốc tế, có trường lại dựa vào chương trình khung của Bộ. Nếu thích sau này trở thành ông “nghè” thì hướng hàn lâm có lẽ là lựa chọn của bạn, còn muốn có việc “ngay và luôn” thì nên chọn hướng ứng dụng, cần nâng cao khả năng tiếng Anh hay muốn có cơ hội đi nước ngoài thì theo chương trình chuẩn quốc tế.
Bạn phải tham khảo kỹ chương trình học trước khi chọn trường nhé. Nhiều trường công bố chương trình học trên trang web của mình, ví dụ bạn chỉ google Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội là sẽ ra rất nhiều ngành nghề đào tạo và cam đoan giới thiệu việc làm ngay khi bạn ra trường.
Thành kiến trường công, trường tư
Trước đây, không ít người có thành kiến với các trường đại học dân lập hay quốc tế. Nhưng ngày nay, sự nỗ lực, phát triển của các trường dân lập đang dần được xã hội nhìn nhận và đánh giá công bằng hơn.
Trong những năm qua, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nhiều trường dân lập không ngừng đổi mới chương trình đào tạo và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Một số trường như Cao Đẳng Quốc tế Hà Nội có chất lượng được tổ chức quốc tế đánh giá cao, đạt chuẩn 3 sao.
Bên cạnh đó, việc chuyển sang mô hình tự chủ tài chính cũng góp phần thu hẹp khoảng cách học phí giữa các trường dân lập và công lập. Học phí trường tư có nhỉnh hơn trường công nhưng sinh viên được tạo điều kiện tối đa trong học tập.