Thí sinh ‘chấm điểm’ đề thi THPT quốc gia Khoa học xã hội

Đề Địa và Giáo dục công dân nhẹ nhàng, thực tế trong khi đề Sử làm khó thí sinh bởi nhiều câu đòi hỏi khả năng tư duy, tổng hợp. 

10h25 ngày 27/6, thí sinh hoàn thành bài thi cuối cùng Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), kết thúc kỳ thi THPT quốc gia. Đa số thí sinh cho rằng các môn thi dễ hơn so với năm 2018, đúng như khẳng định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ – mục tiêu kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp.

Đề Lịch sử đòi hỏi kỹ năng phân tích, so sánh

Tại điểm thi THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), thí sinh Phạm Đức Long (cựu học sinh THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) tự tin được 7 điểm Sử. Nhờ ôn tập kỹ, 20 câu đầu em làm nhanh và chắc đúng, 20 câu sau khó hơn, có sự phân hóa, kiến thức chủ yếu nằm ở phần Lịch sử Việt Nam.

“Em hoàn thành 30 câu, còn 10 câu không chắc chắn do cần tư duy, liên hệ thực tiễn, nếu chỉ học thuộc sách giáo khoa thì không thể làm được”, sĩ tử nói.

Tại điểm thi THPT Trưng Vương (TP HCM), nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm lý thoải mái. Phạm Nguyễn Bảo Uyên (cựu học sinh THPT Ernst Thalmamnn) cho rằng, đề Lịch sử “dễ thở” hơn năm ngoái nhưng khó hơn đề thi minh họa với nhiều câu nâng cao. Đề có khoảng 15-20 dễ, từ câu 30 trở đi mức độ khó dần.

Với nguyện vọng vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, thí sinh Lê Phước Hưng dù đầu tư lớn cho các môn xã hội vẫn thấy đề “hơi khó, yêu cầu khả năng vận dụng cao”. Hưng chắc chắn làm đúng 15 câu đầu, những câu còn lại đánh theo cảm tính.

Thí sinh Quách Thị Hà tại điểm trường THPT Dầu Giây (Thống Nhất, Đồng Nai) nhận xét kiến thức yêu cầu trong đề bám sát chương trình sách giáo khoa, phù hợp với cả học sinh trung bình. “Từ câu 36 trở đi, đề yêu cầu học sinh phải có tư duy và khả năng tổng hợp”, Hà nói và cho biết tự tin đúng khoảng 35 câu.

Cô Nguyễn Thị Kim Quyên (giáo viên trường THPT Nguyễn Du, TP HCM) đánh giá đề Sử năm nay dễ hơn năm ngoái, nhưng không dễ với phần đông thí sinh do yêu cầu học kỹ, hiểu sâu.

“Có khoảng 10 câu hỏi khó để phân loại thí sinh, tập trung ở phần kiến thức lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Những câu khó này chỉ những em có tư duy, biết vận dụng cao mới làm được”, cô Quyên nói.

Dễ dàng làm Địa lý với Atlat

Thí sinh Lê Phước Hưng (TP HCM) nhận xét đề Địa lý dễ, chỉ cần dựa vào Atlat và phần biểu đồ thuộc chương trình lớp 12 là có thể làm được phần lớn câu hỏi. Các câu hỏi không đánh đố, suy luận một chút là có thể trả lời.

Tương tự, Phạm Nguyễn Bảo Uyên cho rằng đề Địa lý đề chỉ có 4 câu khó thuộc phần kinh tế, thị trường và xã hội, yêu cầu khả năng liên hệ, vận dụng cao. “Số còn lại khá dễ, nhiều câu chỉ cần sử dụng Atlat là tìm ra đáp án”, Uyên nói.

Nguyện vọng vào ngành Ngôn ngữ Anh, Lê Phước Anh (THPT Ernst Thalmamn) chỉ lấy bài Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp. Đề Địa lý được Anh cho là tiệm cận đề thi minh họa, mức độ khó tương đương với đề năm ngoái. “Đề tương đối dễ, thí sinh trung bình dễ lấy được 5 điểm. Một số câu hỏi với các phương án khá giống nhau, nếu không đọc kỹ thì sẽ bị đánh lừa”, Phước Anh nói.

Tại Nghệ An, thí sinh Nguyễn Phương Thảo cho rằng đề Địa khá hay và không quá khó, thí sinh dễ đạt 6-7 điểm. Phần dễ kiếm điểm nhất nằm ở các câu vận dụng Atlat, phần hay nhất chính là câu hỏi về ý nghĩa của việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng hay giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở Bắc Trung Bộ.

“Ngoài việc học chắc kiến thức sách giáo khoa, thí sinh cần chịu khó đọc báo, xem thời sự cũng có thêm nhiều kiến thức thực tế”, nữ sinh nói.

Theo dõi đề thi Địa lý các năm, cô Nguyễn Thị Mai (giáo viên trường THPT Nguyễn Du, TP HCM) nhận xét đề năm nay tương đối dễ nhưng có mức độ phân hóa khá rõ. Thí sinh dễ dàng đạt điểm 5-6, nhưng ở mức độ 8-9 điểm thì rất khó.

“Đề tập trung ở chương trình lớp 12, chỉ có bốn câu ở lớp 11; 15 câu kỹ năng, trong đó có 11 câu sử dụng Atlat và 4 câu biểu đồ. Trong 4 câu biểu đồ có 2 câu khó, yêu cầu khả năng tính toán và sử dụng biểu đồ”, cô Mai nói.

Ngoài ra, đề có 4-6 câu đặc biệt khó thuộc nội dung các vùng kinh tế, đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu, biết vận dụng với làm được. Hai câu liên hệ thực tế có nội dung về biến đổi khí hậu nói chung và vấn đề này ở đồng bằng sông Cửu Long.

 

Giáo dục công dân gần gũi, thực tế

Nhiều thí sinh tự tin được 6-7 điểm môn Giáo dục công dân bởi câu hỏi tập trung ở kiến thức lớp 12. Không dành nhiều thời gian cho môn này, Vũ Hà Ngọc (cựu học sinh THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) nhận xét đề thi THPT không nhiều lý thuyết, đa phần là tình huống thực tế. “Em làm hết 40 câu, 5-6 câu khó phải suy luận, vận dụng kiến thức xã hội nhưng đây vẫn là phần em tự tin nhất”, sĩ tử nói.

Tự tin được 8 điểm môn Giáo dục công dân, Lê Phước Anh (điểm thi THPT Trưng Vương, TP HCM) cho rằng đề không nhiều bất ngờ khi câu hỏi tập trung ở phần pháp luật, yêu cầu vận dụng hiểu biết để giải quyết tình huống. Với đề thi năm nay, thí sinh chỉ cần đọc, hiểu lý thuyết là có thể làm được trên 7 điểm.

Trần Huyền Anh (TP Vinh, Nghệ An) cho rằng, cái hay của đề năm nay là có nhiều câu hỏi nhấn mạnh vào quyền của công dân, giúp thí sinh hiểu biết hơn về pháp luật, tránh những điều vi phạm đáng tiếc. “Các câu hỏi về tình huống khá đa dạng và vận dụng thực tế trong cuộc sống. Em tự chấm 7 điểm”, Huyền Anh nói.

Tổ Giáo dục công dân, Hệ thống giáo dục HOCMAI, đánh giá so với năm 2018, đề 2019 giảm về độ khó, thể hiện ở số câu hỏi vận dụng cao giảm từ 12 xuống 8, tăng số câu hỏi ở mức độ thông hiểu và không xuất hiện các câu hỏi mang tính thời sự.

Mặc dù giảm số lượng câu hỏi vận dụng cao, mức độ khó của các câu hỏi này vẫn giữ nguyên, thậm chí dữ liệu gây nhiễu cho học sinh (ví dụ câu 112 về quyền khiếu nại, tố cáo, 113 hỏi về các quyền tự do cơ bản của công dân, câu 114 hỏi về quyền khiếu nại tố cáo trong mã đề 308).

Chia sẻ bài viết này

Các bài liên quan

Các đối tác của trường

FLC
Huyndai
ICO Group
Marriot
Muong Thanh
Toyota
FLC
Vietsun Auto
Dai Hoc Kien Hanh - Trung Quoc
Đăng ký trực tuyến

Đăng ký trực tuyến