“DẶN DÒ TRƯỚC KỲ THI THPT QUỐC GIA 2019”
1. VỀ PHƯƠNG TIỆN ĐI THI
Có lẽ, rất nhiều em đã tự đi xe ở những năm cấp 3 rồi. Tuy nhiên, những ngày thi này thì các em nên để phụ huynh, người thân đưa đón mình. Như vậy sẽ giảm thiểu một phần rủi ro, bớt được một phần mệt mỏi, tiết kiệm thời gian hơn và giúp các em có được sự tập trung trí lực đầy đủ.
Giờ thi là đầu buổi sáng hoặc đầu buổi chiều nên có lẽ tình trạng kẹt xe gần như là không có. Tuy nhiên, các em có tính tới khả năng xe đi trên đường gặp sự cố chưa? Vậy nên tốt nhất trước ngày thi hãy nhắc người thân kiểm tra lại xe cho chắc (bánh xe có mềm quá không, đề máy
có lên không, …). Người chở đi thi thì chỉ cần 1, tuy nhiên tốt nhất thì nên có thêm 1 người với 1 chiếc xe khác “trực chiến” đề phòng có sự cố xảy ra. Các em vẫn có thể bắt Grab, GoViet nhưng cũng phải đề phòng tình huống không bắt được xe hoặc mấy anh ấy chạy ngơ quá không biết đường làm cho mình trễ giờ. Tốt nhất nên để phụ huynh chở, vì mình sẽ nhận được sự động viên, khích lệ tinh thần từ người mà ta tin tưởng nhất đấy.
Đó là lúc đi thi, còn lúc thi xong, đặc biệt là 2 buổi sáng thì tình trạng kẹt xe, ùn tắc chắc chắn sẽ có, đối phó v
ới nó như thế nào để mau chóng “thoát khỏi vòng vây”? Các em nên dặn người thân mình đón mình ở xa cổng trường nơi thi một chút, có thể cách cổng trường tầm 100 mét. Vì chắc chắn tâm lý phụ huynh đón con mình thi ra sẽ muốn đến thật gần cổng trường để có thể sớm thấy được con mình, vô hình chung sẽ gây nên hiện tượng kẹt xe và hỗn loạn quanh cổng ra vào. Vì thế, để tiết kiệm thời gian cho chính mình, các em và người thân nên bàn bạc trước địa điểm mà người thân sẽ đứng chờ: có thể ở trước một quán nước, một cửa hàng tiện lợi, … cách xa cổng trường một xíu, nhưng đừng quá xa kẻo đi bộ mệt. Các em đi thi ra chỉ cần đi một mạch tới ngay chỗ đã hẹn trước thôi chứ không cần phải loay hoay tìm người thân trong khung cảnh hỗn loạn đó.
2. VỀ VIỆC ĂN UỐNG, ĐỊA ĐIỂM NGHỈ NGƠI GIỮA NGÀY THI
Về việc ăn sáng, chắc chắn các em phải ăn đầy đủ, nhịn ăn sáng mà bắt não phải tập trung liên tục trong khoảng thời gian thi dài là tự mình hại mình. Tốt nhất là ăn sáng ở nhà và nên hạn chế ăn ở các quán ăn trong những ngày này, vì lỡ không may trong thức ăn có một tác nhân không tốt gây ảnh hưởng đến sức khỏe dù nhỏ thôi nhưng cũng hết sức nên tránh.
Về việc ăn trưa, sáng ngày 25/6 thi môn Văn ra khoảng 9h35 phút, thời gian đến môn Toán thi buổi chiều khá nhiều, các em nên về nhà ăn trưa, nghỉ ngơi. Ngày 26/6 buổi sáng thi môn KHTN ra khoảng 10h30 phút, các em cần lựa chọn việc có về nhà hay không, tùy thuộc khoảng cách từ nhà các em đến nơi thi. Nếu khoảng cách đủ gần thì các em nên về nhà mình để có thể ăn uống, nghỉ ngơi một cách tốt hơn. Có thể tính thế này, thi xong khoảng 10h30 phút, tuy nhiên còn phải chờ giám thị thu bài, kiểm tra lại bài, cộng thêm các khoảng thời gian khác nên có thể khoảng 11h các em mới đến được chỗ người thân mình. Vậy thì nếu thời gian di chuyển từ trường về nhà là khoảng tối đa 25 phút thì các em nên chọn về nhà. Nếu thời gian này dài hơn thì các em nên chọn phương án ở lại vì nếu chọn về nhà thì sẽ mất khoảng thêm 1 tiếng cho việc về nhà và đi lên lại, làm rút ngắn khá nhiều thời gian ăn uống, nghỉ ngơi của các em. Nếu đã chọn ở lại thì dẫn tới vấn đề tiếp theo: ăn trưa cái gì, ở đâu, nghỉ ngơi chỗ nào? Nếu nhà các em có làm cơm mang theo sẵn thì quá tốt, các em chỉ cần tìm một quán nước nào đó cách xa xa địa điểm thi một xíu là có thể yên tâm ăn uống, nghỉ ngơi. Còn nếu không thì các em nên chọn ăn ở những quán “sang” một xíu, ví dụ những cửa hàng thức ăn nhanh hay các quán cơm văn phòng mà có máy lạnh và quan trọng là phải sạch sẽ, hợp vệ sinh. Các em nên chấp nhận bỏ ra một số tiền cao hơn để đổi lại sự an toàn về mặt thức ăn và sự mát mẽ dễ chịu mà các em sẽ có được. Hãy tưởng tượng xem, mình thi xong ra đầu óc rất mệt mỏi mà lại phải vào dùng cơm trưa tại một quán cơm bình dân, rất đông khách, ồn ào chật chội, phục vụ cơm thì chậm, không khí nóng bức khó chịu, đồ ăn thì lại không hợp khẩu vị, … những yếu tố ấy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các em đấy!
Về địa điểm nghỉ ngơi buổi trưa, việc nghỉ ngơi giữa 2 buổi thi là rất quan trọng, vì đây là lúc để các em có thể tịnh tâm trở lại, phục hồi lại phần trí lực đã bị tiêu hao nhiều ở buổi sáng. Mộ lần nữa, nếu có thể về được nhà mình thì quá tốt rồi. Trường hợp không thể thì các em có thể lựa chọn một quán nước mát mẽ, có không gian yên tĩnh, cách tương đối xa địa điểm thi để nghỉ ngơi. Chúng ta có thể vào đấy, với không gian thoáng mát, tựa lưng vào tường và chợp mắt, có một giấc ngủ ngắn nhưng rất cần thiết. Sự yên tĩnh là điều tối quan trọng, đừng chọn những cửa hàng tiện lợi hay đi chung với bạn bè mình, vì một đám bạn đi chung với nhau thì sẽ lại tiếp tục bàn bạc về đề thi, nói chuyện trên trời dưới đất, làm các em mất đi thời gian để nghỉ ngơi. Với các bạn không về nhà được và nếu có điều kiện, các bạn có thể cân nhắc về việc chọn một khách sạn ở không xa địa điểm thi (bán kính tầm 3km trở lại) để nghỉ ngơi. Chúng ta có thể đặt phòng trước ngày thi, có thể đặt trong khung giờ từ 7h30 phút đến 15h30 ngày 26/06 để người thân các em có thể ở đó chờ trong lúc các em thi cũng như các em có chỗ yên tỉnh để chợp mắt buổi trưa. Dù nghỉ ngơi ở đâu thì các em vẫn nhớ giấc ngủ trưa ngắn thôi nhưng lại hết sức cần thiết đấy. Và nhớ chỉnh các thiết bị báo thức hay dặn dò người thân mình gọi mình dậy, tốt nhất là nên khoảng 30 phút trước lúc phải có mặt (ví dụ buổi chiều các em phải có mặt lúc 14h thì khoảng 13h30 các em phải dậy để sửa soạn đi đến chỗ thi)
Ngoài ra, thời tiết mưa nắng thất thường cũng có thể có những ảnh hưởng nhất định. Đi thi trong trời nắng cần bịt kín, xoa kem chống nắng (đặc biệt phần trán và gáy) vì có thể sẽ bị say nắng, nhức đầu. Đi mưa cần mặc áo mưa, đừng chủ quan mưa nhỏ không cần mặc vì có thể sẽ bị cảm.
3. VỀ ĐỊA ĐIỂM THI
Nhiều bạn có lợi thế lớn khi được “đá sân nhà”, thi ở ngay trường của mình. Tuy nhiên, các em đều biết rằng Hội đồng thi ấy được điều khiển bởi các giáo viên, giám thị hết sức xa lạ. Có thể Chủ tịch Hội đồng thi sẽ đưa ra những quy định làm bất ngờ các em, vậy nên các em PHẢI CÓ MẶT ở địa điểm thi vào chiều ngày 24/06 để làm thủ tục, NGHE KỸ quy chế thi, ghi chú cẩn thận những yêu cầu của địa điểm thi mà chấp hành cho đúng. Có thể kể đến một số yêu cầu sau:
– Thí sinh không được mang cặp, balo vào khuôn viên trường. Việc thí sinh không được mang cặp, balo vào phòng thi là tất nhiên rồi. Tuy nhiên, có thể một số nơi lại yêu cầu khắt khe hơn, không cho các em mang cặp, balo vào trường luôn, cụ thể là yêu cầu các em phải gửi cặp, balo ở nơi phòng bảo vệ chẳng hạn. Như vậy, hãy tưởng tượng xem trong phòng ấy có cả trăm chiếc cặp khác nhau. Vậy khi thi xong buổi sáng, mất cả thanh xuân để tìm cặp … Vậy nếu gặp phải yêu cầu này thì phải làm gì? Đơn giản là các em có thể bỏ hết các loại giấy tờ, dụng cụ cần thiết vào một chiếc bao hay một cái bìa trong suốt. Vào trường các em chỉ cần cầm theo chiếc bao hay cái bìa ấy cùng với một chai nước là đủ rồi.
– Chai nước buộc phải lột nhãn ra: điều này có thể một số nơi không yêu cầu. Nhưng tốt nhất là các em nên chủ động cắt bỏ trước lớp nhãn của nó sẵn luôn đi
– Nắp của các chiếc máy tính bỏ túi phải để ở ngoài phòng thi. Quy định này nghe có vẻ lạ, nhưng quả thật một số nơi cũng có quy định này đấy. Có thể có tình trạng một số em lợi dụng nắp của các chiếc máy tính để dán vào đó những tài liệu đã photo thu nhỏ, đặc biệt với các chiếc máy tính CASIO, khi mà giám thị ở phía trên không thể quan sát được đằng sau chiếc nắp ấy có gì cả. Quy định này nếu có sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng làm bài của các em, đặc biệt trong bài thi Vật Lý, vì có rất nhiều hằng số Vật Lý đã được máy tính lưu sẵn (như khối lượng prôton, nơtron, electron, hằng số Plăng, số Avôgadro, điện tích nguyên tố e, …, những số này đầu đề hay trong đề đều có ghi rõ.
Còn nhiều quy định khác nữa mà có thể Hội đồng thi có thể sẽ đặt ra. Việc chấp hành nghiêm túc là hết sức quan trọng, vì không ai muốn mình chưa thi đã “gây ấn tượng mạnh” với các giám thị vì việc không tuân thủ quy định cả. Sau bê bối tiêu cực ở các tỉnh phía Bắc ở năm 2018 vừa rồi (Hà Giang, Lạng Sơn, …) thì chắc chắn năm nay 2019, Bộ sẽ yêu cầu giám thị canh gắt hơn, tăng cường công tác thanh tra. Vì vậy các bạn có suy nghĩ “làm một điều gì đó” thì nên bỏ ngay ý tưởng đó, nghiêm túc chấp hành quy định nhen.
Với các em không may mắn, không được thi ngay ở trường của mình thì các em nên chú ý thêm về sơ đồ phòng thi và đặc biệt là nhà vệ sinh ở trường các em thi. Chẳng may chúng ta có vấn đề sức khỏe, cần phải dùng tới nhà vệ sinh mà lại loay hoay đi tìm thì lại mất thời gian. Trong phòng thi chỉ một phút thôi cũng đủ để các em làm nên lịch sử, đủ để thay đổi hoàn toàn kết quả bài thi của mình rồi đấy.
4. VỀ VẤN ĐỀ THỜI GIAN
Năm nào cũng có những tình huống hết sức đau lòng, khi mà các bạn thí sinh vì lý do nào đó đến địa điểm thi trễ, thậm chí trễ hơn 15 phút kể từ lúc phát đề dẫn tới việc các em không được vào thi, kết quả là các em không được tham gia kỳ thi năm ấy, hậu quả to lớn vô cùng. Có thể do nguyên nhân khách quan, các em không muốn như vậy nhưng quy chế đã đặt ra thì phải tuân theo, không có cách nào khác để thay đổi cả. Vậy nên các em nên nhớ kỹ các mốc thời gian mà các em cần phải có mặt, giờ phát đề, giờ bắt đầu làm bài để từ đó các em tự lập ra cho mình một thời gian biểu hợp lý. Nên liệt kê ra trước những việc mình sẽ làm vào ngày thi và định cho nó một khoảng thời gian hợp lý cùng với một biên độ dao động cần thiết.
Ngoài ra, một lưu ý khác là từ trước ngày thi khoảng hai tuần trước kỳ thi, các em nên tập dần cho cơ thể mình quen với giờ giấc sinh hoạt vào những ngày thi (lên giường lúc 22h đến 22h30, ngủ muộn nhất là 23h, dậy lúc 5h30, ngồi vào bàn học từ 7h30 đến 10h30 ngủ trưa từ khoảng 12h30 đến 13h15, ngồi vào bàn học từ 14h30 đến 16h30). Nên tập trước hai tuần để cơ thể của ta quen với đồng hồ sinh học như vậy, tránh tuyệt đối tình trạng ngày thi ngủ quên, dậy không nổi, buồn ngủ vào khoảng giờ xế (14h đến 15h).
5. VỀ VẤN ĐỀ TÂM LÝ
Tâm lý có thể nói là yếu tố cực kì quan trọng trong các kỳ thi, nhưng lại thường bị các em xem nhẹ. Rất nhiều em học sinh dù có học lực rất giỏi nhưng tâm lý lại không vững thì lại đạt kết quả không như mong muốn. Vậy, để chuẩn bị tâm lý cho tốt, điều cần làm đầu tiên là thường xuyên tham gia các kỳ thi thử để quen với không khí phòng thi, quen với các áp lực mà ta sẽ phải đối mặt. Tuy nhiên, tới lúc này thì gần như không còn ở đâu tổ chức thi thử nữa. Vậy thì phải làm sao để vượt qua gánh nặng tâm lý?
———-
THỨ NHẤT: Các em chỉ nên học hành ôn tập tới tối đa là ngày 23/06 thôi. Ta phải dành 1 đến 2 ngày để thư giãn nhẹ nhàng, không bắt đầu óc của ta làm việc nặng nhọc trong các ngày ấy nữa. Vậy thư giãn ở đây là sẽ làm gì? Hãy nói những thứ đừng nên làm trước:
– Đi chơi: đi ra đường, không ai biết trước điều gì. Chẳng may gặp một tai nạn nhỏ thôi, không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe cả nhưng cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em. Ngoài ra, việc đi ra ngoài còn khiến các em dễ bị phân tâm bởi nhiều “cám dỗ” và còn dễ bị đè nặng tâm lý hơn nữa. Chẳng hạn các em đi ra ngoài, gặp người thân hay ai đó thì được hỏi những câu kiểu như: “Kỳ này thi nhắm được mấy điểm” “Tính thi vào trường nào” hay tệ hơn là những câu phán như “Trường đấy năm nay sẽ tăng 1 – 2 điểm” hay “Cô/chú có đứa con/đứa cháu nó giỏi lắm, nó nhắm sẽ đạt khoảng 25-26 điểm, nó cũng tính vào chung trường với con đấy” … Còn nhiều lắm, những câu nói ấy có thể không có ác ý đâu nhưng cũng sẽ làm cho đầu óc các em phải suy nghĩ, thậm chí chỉ vì nghe những câu kiểu đấy mà tối về các em khó lòng ngủ được mà lại nằm suy nghĩ, trăn trở nữa thì khổ. Tất nhiên nói không nên đi chơi, tức là không nên đi ra ngoài nhà lâu quá thôi, còn việc các em đi ăn uống đâu đó với gia đình là chuyện bình thường, nhưng nói chung hạn chế tiếp xúc với người ngoài thì tốt.
– Online Facebook, mạng xã hội: cái này cũng thật khó. Không thể cấm các em đụng tới smartphone hay máy tính trong các ngày ấy được. Tuy nhiên, nếu được thì đừng đụng tới. Vì rất có thể khi lướt FB hay các trang mạng xã hội mà các em sẽ bắt gặp những dòng status “khoe” của bạn bè mình hay bắt gặp những cái đề “dự đoán, tiên tri” từ những giáo viên nào đấy. Tới thời điểm này ban ra đề cho Bộ đã được triệu tập và cách ly, đề thật nhiều khả năng cũng đã ra lò rồi nên việc tiên tri, dự đoán ấy là gần như không có cơ sở. Rất có thể khi các em đọc những cái đề ấy, các em lại phát hiện ra mình còn làm sai nhiều, còn nhiều cái chưa biết quá thì lại đâm ra lo sợ, lại cuống cuồng tìm sách vở để xem thì lại gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý các em. Vậy nên tốt nhất ta hạn chế lên mạng để tránh bị những thứ như vậy làm ảnh hưởng.
Còn những việc mà các em nên làm trong 1-2 ngày này là:
– Xem phim, nghe nhạc: nhắc đến việc xem phim có thể nhiều em bất ngờ. Nhưng thật ra, việc xem phim cũng giúp các em thư giãn nhiều đấy. Tuy nhiên, các em nên chọn những bộ phim mà các em đã xem rồi đấy, vì rằng nếu ta chọn một bộ phim mới thì ta lại bị tính hấp dẫn của kịch bản cuốn hút, lôi kéo ta phải cố gắng xem đến hết bộ phim để biết kết cục thế nào, lúc đó thì lại phản tác dụng. Các em có thể chọn những bộ phim hay những ca khúc, những MV ca nhạc có các diễn viên, ca sĩ mà các em thần tượng để thưởng thức.
Có thể trong 1-2 ngày cuối này chúng ta dành ra khoảng 3-4 tiếng mỗi ngày cho việc này cũng được, nhưng đừng nhiều hơn. Nhưng quan trọng là việc này phải được tiến hành mà vẫn đảm bảo giờ giấc sinh hoạt của các em, tức là phải tuân theo thời gian biểu mà các em đã lập ra (vấn đề về thời gian ở trên đã trình bày)
– Ăn, uống những thứ mình thích: cái này chỉ là các em tự thưởng cho bản thân, sau một chuỗi ngày dài đã phấn đấu không ngừng thôi. Việc được ăn, uống những thứ mình thích chắc chắn cũng sẽ đem lại những sự thoải mái cho các em nữa. Nhưng tất nhiên là hãy nhớ chú ý về an toàn vệ sinh của những loại thức ăn, nước uống này nữa.
————-
THỨ HAI: Đó là vấn đề tâm lý ở nơi thi. Thời gian phát đề các môn thi của ta lần lượt là 7h30 sáng và 14h20 chiều. Vậy thì các em chỉ nên tới trường thi sớm hơn thời gian phát đề khoảng 15 phút thôi. Vì rằng khi ta tới sớm, ta lại rất dễ bị lôi vào những cuộc trò chuyện với bạn bè mình (vì hầu hết các em được thi chung với bạn bè mình) và biết đâu từ những cuộc trò chuyện ấy, ta lại sao còn nhiều thứ mà ta chưa biết quá trong khi bạn bè ta lại đã biết rõ về nó rồi. Như vậy lại làm các em lo sợ và sẽ khó khăn cho các em khi bước vào phòng thi. Thay vào đó, các em chỉ cần tới trường thi trước 10-15 phút, tìm cho mình một góc nào đó tương đối lặng lẽ, yên tĩnh để ta có thể tịnh tâm, chuẩn bị trí lực hay cả cầu nguyện với Ơn Trên của mình nữa. Còn trong phòng thi, sau một nửa thời gian đầu thì các em nên dừng lại 1 – 2 phút, uống một chút nước và tranh thủ cho mắt và đầu óc ta nghỉ ngơi một xíu. Lúc này ta đừng nhìn vào đề nữa nhưng cũng đừng nhìn vào giám thị hay bất cứ bạn bè nào cùng phòng thi cả, hãy hướng mắt ra phía cửa sổ và nhìn về phía xa nhé. Đừng nhìn vào giám thị vì dễ gây chú ý cho họ, và cũng đừng nhìn vào bạn bè vì các em rất dễ bị rơi vào tình trạng hoảng loạn khi thấy họ đang cắm cúi bấm máy, viết viết trong khi ta đang ngồi nghỉ ngơi đấy. Cũng lưu ý này mà các em áp dụng khi các em gặp phải những câu khó, làm các em mất nhiều thời gian suy nghĩ. Các em thấy đầu óc mình mệt thì cứ dừng lại một xíu nhưng đừng nhìn vào giám thị và bạn bè mình.
————–
THỨ BA: Đó là tâm lý sau buổi thi. Sau khi giám thị đã thu bài xong và cho phép ra về, các em nên nhanh chóng thu dọn đồ đạc, lấy cặp và mau chóng rời khỏi phòng thi. Đừng nên ở lại trò chuyện với bạn bè về đề thi, về những câu này câu kia. Khi ra tới cổng trường thì nên đi một mạch tới chỗ người thân của mình đang đợi mà đừng dừng lại ở đâu cả. Nếu được các phụ huynh khác hỏi thì chỉ trả lời rất nhanh như “Dạ, con làm tạm ổn” rồi rời đi ngay. Đừng ở lại xung quanh cổng trường lâu vì các em rất dễ bắt gặp cả nụ cười mãn nguyện lẫn nước mắt đau buồn của bạn bè mình, điều này sẽ làm ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của mình. Ngoài ra, việc rời khu vực thi ngay cũng để giúp các em tránh phải nghe được những lời dự đoán, lời phán “không căn cứ” của nhiều bạn bè, phụ huynh khác nữa. Khi về tới nhà hay tới chỗ quán ăn thì tuyệt đối đừng cầm điện thoại lên mà lên các trang mạng xã hội cũng như các trang web giáo dục dạy học trực tuyến để tìm kiếm đáp án. Vì rằng nếu có đáp án thì chắc chắn đáp án ấy vẫn còn sai rất nhiều và kèm theo đó là rất nhiều thông tin khác làm các em hoang mang. Muốn dò đáp án thì đợi đáp án chính thức của Bộ công bố rồi hãy dò.
6. VỀ CÁC DỤNG CỤ CẦN CHUẨN BỊ
—————
GIẤY TỜ: đây là thứ quan trọng nhất. Dụng cụ quên mang theo thì có thể “chữa cháy” bằng cách ghé cửa hàng nào đó để mua hay mượn bạn bè, còn giấy tờ mà quên thì chỉ có nước chạy về nhà lấy. Nhà gần không nói, nhà mà xa thời gian mất lâu thì … Bởi vậy các em cần phải chuẩn bị kỹ các loại giấy tờ cần thiết, tốt nhất ngày 24/6 lên nghe quy chế xem những giấy tờ đó của mình đã đầy đủ chưa, nếu đã đầy đủ thì về nhà bỏ ngay chúng vào 1 cái bìa riêng và để ở nơi mình sẽ dễ thấy nhất. Tối ngày 24/6 trước khi đi ngủ thì hãy kiểm tra lại xem và sáng ngày 25/6 trước khi ra khỏi nhà hãy kiểm tra thêm 1 lần nữa.
————-
Về các loại dụng cụ học tập:
BÚT CHÌ : đây là loại dụng cụ không thể thiếu để làm bài trắc nghiệm, vì rằng nếu không tô đáp án bằng bút chì thì máy chấm điểm sẽ không đọc được. Đừng nên xài loại bút chì bấm, vì ngòi nhỏ nên tô lâu và dễ làm rách giấy. Các em nên mua loại bút chì chuốt, tuy nhiên đừng nên chuốt nhọn vì vậy cũng sẽ tô lâu và làm rách giấy. Nên chuẩn bị sẵn 2-3 cây vì lỡ thi mà gãy thì ta không có thời gian để ngồi chuốt lại đâu. Đừng dùng loại bút chì quá nhạt (HB chẳng hạn) vì ta phải mất thời gian hơn để tô đậm đáp án lên, máy có khả năng không đọc được việc các em tô quá nhạt. Cũng đừng nên dùng loại quá đậm (4B) chẳng hạn vì rằng lỡ các em chọn sai muốn chọn lại sẽ rất khó khăn trong việc bôi đáp án cũ, có thể dẫn tới rách giấy hoặc bôi chưa sạch, máy chấm có thể hiểu câu đấy các em chọn 2 phương án thì câu đấy các em không được tính điểm
BÚT MỰC: đây hiển nhiên là loại dụng cụ quan trọng nhất rồi, dù thi trắc nghiệm hay tự luận gì cũng cần có nó cả. Bút mực thì các em có thể dùng bút mực nước hay bút bi cũng được. Nếu dùng bút mực nước thì coi chừng bị lem ra, còn bút bi thì nên chọn loại nào cho nét chữ đậm đậm tí vì có những loại bút cho nét rất nhỏ và lại nhạt nữa. Bút mực thì các em có thể chọn các màu là: xanh dương, tím, đen. Dù chọn màu nào thì phải nhớ là bài thi chỉ được phép xài 1 màu mực thôi, và cũng phải là từ 1 loại bút ra (ví dụ cùng là mực xanh mà các loại bút khác nhau cho nét cũng độ đậm nhạt khác nhau). Bài thi mà có 2 màu mực là rất có khả năng bài thi đó sẽ được đem ra chấm đại trà, tức là thay vì 2 giám khảo chấm thi sẽ là cả Hội Đồng chấm luôn, vì sợ tình trạng đánh dấu bài diễn ra. Vì vậy, các em nên chuẩn bị sẵn 3-4 cây bút cùng loại luôn, và cây nào sắp hết mực thì nên bỏ đi nhé (vì có thể màu sẽ nhạt hơn). Nhưng nếu được cũng hãy mang theo các loại bút màu khác, tất nhiên không phải để làm vào bài, mà để làm nháp. Có thể các em làm 1 câu toán hình học không gian cần vẽ hình ra nháp thì các em có thể vẽ nhiều màu mực vào đấy cho dễ thấy được các tính chất của bài toán. Hay có thể chúng ta đang làm 1 câu nào đó dở dang, đã mất đến tận 3 phút rồi mà chưa có đáp án cuối cùng, thì các em buộc phải nhảy sang câu khác, tuy nhiên phần nháp câu đấy chắc chắn vẫn còn tác dụng, vậy ta có thể dùng bút màu khác mà khoanh vùng chỗ đấy lại để nếu còn thời gian ta quay lại làm tiếp chứ không phải làm lại từ đầu.
GÔM, TẨY : đây là thứ rất quan trọng cho bài thi trắc nghiệm. Chính vì vậy, các em nên chịu chi tiền cao một xíu mà mua 1-2 cục gôm xịn, có khả năng bôi sạch. Đừng nên tiếc tiền vào những cục gôm rẻ mà chất lượng không tốt, bôi không sạch được mà còn lại làm lem ra, rất có khả năng máy chấm sẽ không đọc được đáp án của các em chọn.
Thước: có thể không quá quan trọng, nhưng khi cần vẽ hình chính xác thì chúng ta cần những loại thước thẳng, thước đo độ, thước vẽ parabol, … (có những bài tập như điện xoay chiều của Vật lý cần vẽ giản đồ vectơ mới thấy được, mà nếu em nào không khéo tay thì chắc chắn phải vẽ bằng thước mới nhìn ra được cái hình)
Ngoài ra, nếu có thể được, cũng hãy trang bị thêm cây compa. Và nhớ là bỏ luôn cây bút xóa ở nhà đi, đi thi chẳng may quên xóa vào bài một cái là nguy đấy. Đi thi giấy nháp với giấy thi rất nhiều nên làm sai thì dùng thước gạch bỏ đi, không cần dùng bút xóa đâu.
CHAI NƯỚC: chắc chắn sẽ rất khó chịu khi phải làm bài trong tình trạng khác nước rồi. Vì vây các em nên chuẩn bị sẵn 1 chai nước suối đã được cắt bỏ nhãn và nhớ mang theo vào phòng thi. Có thể một số nơi không cho các thí sinh để nước trên bàn mà bắt các em phải để nước trên bàn giáo viên. Nếu vậy thì các em nhớ làm dấu cho chai nước của mình để dễ nhận ra. Tuy nhiên hãy nhớ là cũng đừng mang quá nhiều nước vào, vì uống nhiều nước sẽ dễ dẫn đến tình trạng mắc vệ sinh đấy. Cũng đừng nên mang theo nước lạnh, vì có khả năng nó chảy nước ra ướt phiếu Trả lời Trắc nghiệm của mình đó.
7. NHỮNG LƯU Ý KHÁC
Tuyệt đối đừng làm những hành động “ngu ngốc” trong phòng thi để mình bị nhắc nhở hay tệ hơn là bị lập biên bản trừ điểm. Có thể kể đến những hành động sau:
Lúc giám thị đi phát đề, họ sẽ yêu cầu các em để im cái đề ở đấy, không được mở lên, sau khi phát xong có hiệu lệnh mới cho mở lên. Vậy thì đừng dại mà lén họ đang phát ra phía sau ta mà mở lên xem thế nào. Sau khi cho mở đề lên, các em sẽ có khoảng 5 đến 10 phút để đọc đề. Nhớ thời gian này là đọc đề chứ không phải là làm đề. Vậy nên em nào cầm bút hay máy tính lên nhiều khả năng sẽ bị nhắc nhở và lập biên bản. Giai đoạn này thì các em nên dành khoảng 1-2 phút mà “soi” cái đề, soi tất cả các mặt, đọc lướt qua các câu, xem xem có chỗ nào mờ hay mất chữ không (sau khi tính giờ chính thức mà mới phát hiện thì lại không được giải quyết). Còn lại, tuy không cho cầm bút nhưng chắc chắn vẫn có thể tự làm trong đầu trước các câu lý thuyết (ví dụ đề Vật Lý thì có khoảng 12 câu lý thuyết) hoặc lọc ra các câu bài tập bên dưới xem nên làm câu nào trước, câu nào sau. Làm sẵn trong đầu để rồi khi có hiệu lệnh bắt đầu làm bài, chúng ta tô nhanh ngay đáp án các câu lý thuyết đã làm sẵn trong đầu rồi.
Hãy tập thói quen làm xong câu nào thì tô đáp án câu đó vào cả đề thi nữa đễ dễ dàng đối chiếu. Đừng làm hết vào đề rồi đợi cuối cùng mới tô vào phiếu trả lời, vì có thể thời gian gấp rút làm các em bị mất bình tĩnh, dẫn tới việc tô sót, tô sai hay tệ hơn là mắt nhìn so le, nhìn câu này thành câu kia thì chắc chắn là xác định, trường hợp xấu nhất là đã hết giờ làm bài môn đó, đã nộp bài môn đó rồi mà phát hiện mình chưa tô vào phiếu trả lời. Tuyệt đối tránh tình trạng giám thị thông báo đã hết giờ mà vẫn còn cầm bút, rất dễ bị lập biên bản và rất dễ dẫn đến tình trạng tô nhầm vào câu ta đã tô rồi, làm mất điểm luôn cả 2 câu.
Đừng tỏ vẻ ta đây, đừng làm lố trong trường và trong phòng thi. Vì rằng đã có trường hợp một thí sinh vì không chỉ bài không người khác mà bị kẻ đó tìm đánh sau giờ thi, hoặc tệ hơn là kẻ đó canh ngay lúc chuẩn bị nộp bài chạy lên xé bài của thí sinh ấy (kiểu ăn không được thì phá cho hư). Cũng đừng có bất cứ hành động “anh hùng” nào cả, đừng ra ám hiệu, tìm cách trao đổi với bạn bè, kể cả bạn thân hay thậm chí cả người yêu thi chung phòng. Đơn giản là vì giám thị coi thi các em sẽ chẳng phải là thầy cô thường ngày của các em đâu, và còn có sự giám sát từ giám thị hành lang nữa, nên đừng có những hành động “ngu ngốc” đấy. Dù rằng bạn bè thi chung phòng của ta có thể không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp chiếc vé vào một trường đại học của ta, nhưng trong phòng thi hãy cứ xem họ như đối thủ của ta mà tuyệt đối không có một phút nào giúp đỡ họ cả. Và thi xong, dù có làm được, làm tốt thì cũng đừng tỏ vẻ tự đắc. Đúng là tôi giỏi thì tôi có quyền, nhưng biết đâu sẽ có người làm không được bài thì lại ghen tức với chúng ta mà tìm cách hãm hại. Ai có hỏi thì cứ nói “mình không biết nữa, chắc cũng tạm tạm”
Tới đây là hết tất cả những gì các em cần biết trước ngày thi. Tùy theo điều kiện mà chúng ta có thể làm theo những điều ở trên hay làm khác đi. Dù gì đi nữa thì mong rằng bài viết dài này sẽ ít nhiều giúp các em có được sự chuẩn bị tốt hơn cho trận đánh lớn sắp tới. Cảm ơn các em đã chịu khó đọc đến đây. Cuối cùng, xin Ơn Trên ban dồi dào ơn lành, soi sáng cho các em trong kỳ thi này và chúc các em có được kết quả đẹp như mình ước mong.