Contents
Nền kinh tế phát triển tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho thế hệ trẻ. Nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu nhất định về trình độ chuyên môn.
Là một ngành học năng động với tính ứng dụng cao, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử hiện đang được đông đảo bạn trẻ yêu mến kỹ thuật theo học. Vậy làm thế nào để trở thành kỹ sư điện – điện tử chuyên nghiệp? Bên cạnh kiến thức chuyên môn bạn cần không ngừng nâng cao những năng lực sau:
1. Tư duy – sáng tạo
Kỹ sư điện – điện tử là người trực tiếp thực hiện các công việc như: Thiết kế, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện – điện tử. Chính vì thế, tư duy – sáng tạo là yêu cầu vô cùng cần thiết đối với họ.
Thực tế cho thấy, khả năng tư duy – sáng tạo sẽ giúp làm việc nhanh chóng, hiệu quả hơn. Nó cũng là yếu tố quyết định thu nhập hay cơ hội thăng tiến trong công việc.
Đối với vị trí kỹ sư điện – điện tử, sự tư duy – sáng tạo được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn thông qua: sản phẩm thiết kế, thao tác thực hiện công việc, cách xử lý tình huống phát sinh trong quá trình làm việc.
2. Khả năng thích nghi tốt
Đặc trưng của lĩnh vực điện – điện tử là sự linh hoạt, ít gò bó. Bạn có thể sẽ dịch chuyển liên tục tới các địa điểm khác nhau để thực hiện nhiệm vụ của mình. Hơn thế nữa, trong quá trình làm việc sẽ phát sinh những tình huống đòi hỏi bạn cần có khả năng thích nghi tốt để có thể điều chỉnh phù hợp với công việc.
Ví dụ: Nhà máy mà bạn làm việc có 2 chi nhánh thuộc 2 vùng có điều kiện địa lý, khí hậu, kinh tế hoàn toàn khác biệt. Lúc này bạn cần biết cách nắm bắt, khai thác những điều kiện sẵn có trong thực tế để công việc được diễn ra suôn sẻ nhất.
3. Khả năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là khả năng sử dụng phương tiện ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt suy nghĩ, ý kiến, cảm nhận một cách rõ ràng và thuyết phục; đồng thời thúc đẩy được giao tiếp hai chiều.
Nếu ai đó cho rằng, công việc của kỹ sư điện – điện tử hoàn toàn sử dụng sức mạnh của cơ bắp thì họ đã nhầm. Khả năng giao tiếp là yếu tố vô cùng cần thiết đối với vị trí này. Bởi lẽ, nếu không biết cách nói chuyện trôi chảy, khéo léo thì ắt hẳn họ sẽ khó có thể thuyết phục được khách hàng hay phối hợp công việc hiệu quả với đồng nghiệp.
4. Khả năng làm việc nhóm
Kỹ năng làm việc nhóm được thể hiện qua việc tương tác, phối hợp giữa các thành viên để thực hiện một công việc nào đó. Để làm việc nhóm hiệu quả bạn cần biết đưa ra quan điểm của bản thân đồng thời lắng nghe ý kiến của người khác để đi tới sự thống nhất. Bởi khi làm việc trên cơ sở đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích chung của tập thể thì mọi công việc mới được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.