Quản lý nhà hàng – Khách sạn là vị trí đóng vai trò then chốt trong bộ máy vận hành của doanh nghiệp. Bạn đang mơ ước trở thành một nhà quản lý tài ba? Trước tiên, hãy tìm hiểu để nắm được những nhiệm vụ cơ bản của vị trí này nhé!
Tùy vào quy mô của nhà hàng – khách sạn mà người quản lý sẽ đảm nhận khối lượng công việc khác nhau. Tại các nhà hàng nhỏ, người quản lý hầu như giám sát mọi công việc. Trong khi đó, các nhà hàng – khách sạn lớn công việc của người quản lý được chuyên môn hóa hơn.
Trách nhiệm chính của quản lý nhà hàng – khách sạn có thể kể đến như:
Quản lý nhân viên
Quản lý là người tham gia vào quá trình:
– Tuyển dụng và trực tiếp đào tạo nhân sự
– Phân công nhiệm vụ cho nhân viên
– Giám sát, đốc thúc nhân viên làm việc
– Xây dựng và thực hiện các chiến lược của công ty
Quản lý tài chính
Quản lý có trách nhiệm bao quát mọi hoạt động thu chi của nhà hàng – khách sạn. Từ việc ký nhận, sửa đổi đơn hàng đến kiểm tra doanh thu mỗi ngày. Đồng thời, theo dõi các khoản thanh toán, duy trì hồ sơ ngân sách, quỹ, chi phí.
Bên cạnh đó, các nhà hàng – khách sạn thường có thêm nguồn thu nhập đến từ tiền tip của khách hàng. Người quản lý sẽ quản lý số tiền này. Sau đó, lên kế hoạch sử dụng hợp lý để gắn kết tập thể, tiếp thêm động lực làm việc cho nhân viên.
Quản lý tiêu chuẩn phục vụ
Thương hiệu của nhà hàng – khách sạn không chỉ được xây dựng từ những món ăn ngon miệng, đẹp mắt mà còn từ sự chuyên nghiệp trong tác phong làm việc của nhân viên.
Người quản lý cần giám sát: Việc thực hiện các quy tắc, thái độ phục vụ khách hàng của đội ngũ nhân viên. Tổng kết, rút ra kinh nghiệm từ hoạt động thực tế để bổ sung những tiêu chuẩn mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Điều hành công việc
Là một người quản lý bạn cần biết cách: sắp xếp thời gian làm việc, khối lượng công việc phù hợp với từng vị trí nhân sự; khả năng quan sát, điều động nhân viên thực hiện công việc một cách khoa học. Để làm được điều đó, bạn cần có kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp tốt.
Quản lý tài sản nhà hàng
Số lượng đồ dùng, dụng cụ trong các nhà hàng – khách sạn thường rất lớn và có thể dao động mỗi ngày. Vì thế, người quản lý phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật dụng để xử lý, giải trình những trường hợp mất mát, hư hỏng. Từ đó, bổ sung kịp thời dụng cụ để tránh làm gián đoạn công việc.
Giải quyết sự cố và khiếu nại của khách hàng
Đặc trưng của lĩnh vực nhà hàng – khách sạn là phục vụ hàng trăm khách hàng mỗi ngày. Trong quá trình làm việc sẽ không trách khỏi những tình huống phát sinh. Ở những trường hợp cần thiết, người quản lý sẽ trực tiếp gặp gỡ khách hàng để giải quyết vấn đề.
Ngoài những công việc trên, người quản lý còn có trách nhiệm phối hợp với các bộ phận để xây dựng và thực hiện chiến lực phát triển cho nhà hàng – khách sạn; báo cáo kết quả công việc với Ban giám đốc,…