Dược lực học và Dược động học là 2 cụm từ chuyên ngành quen thuộc trong lĩnh vực Y – Dược. Vậy bản chất của chúng là gì và được ứng dụng thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Khái niệm
– Dược lực học: Là quá trình tác dụng của thuốc lên cơ thể. Mô tả hiệu quả tác dụng của thuốc cũng như tác dụng phụ và cách tác động của thuốc… Tác dụng của thuốc có thể sẽ bị thay đổi do các thuốc khác dùng đồng thời hoặc do một số bệnh lý gây ra. Các hiện tượng cộng lực, đối kháng tác dụng, hiệp đồng và các hiện tượng khác liên quan đến tác dụng của thuốc đó đều được dược lực học miêu tả. Dược lực học của thuốc có thể bị ảnh hưởng bởi các thay đổi sinh lý do: rối loạn; lão hóa; các loại thuốc khác.
Một số rối loạn ảnh hưởng đến đáp ứng dược lực học có thể kể đến như: suy nhược thần kinh, suy dinh dưỡng, các đột biến di truyền, bệnh Parkinson, độc tính của tuyển giáp hay dạng đái tháo đường kháng insulin. Những rối loạn có thể làm thay đổi mức độ liên kết thuốc với protein; sự liên kết với thụ thể hoặc làm giảm sự nhạy cảm của thụ thể.
– Dược động học: Là những tác động của cơ thể đối với thuốc trong suốt quá trình thuốc đi vào, ở trong và đi ra khỏi cơ thể. Nó bao gồm các quá trình hấp thu- sinh khả dụng – phân bố – chuyển hóa – thải trừ.
Dược động học của thuốc phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến bệnh nhân cũng như đặc tính hóa học của thuốc. Trên thực tế, những thay đổi về sinh lý khi lão hóa có tác động lớn đến yếu tố dược động học. Vì thế, khi sử dụng thuốc phải xem xét đặc điểm của từng bệnh nhân. Từ đó, đưa ra liều lượng phù hợp cho đến khi dạt được mục tiêu điều trị.
2. Ứng dụng Dược lực học và Dược động học
Dược lực học và Dược động học được nghiên cứu để áp dụng vào việc nâng cao hiệu quả và mức độ an toàn khi sử dụng kháng sinh.
Chỉ số liên kết đặc tính giữa Dược lực học và Dược động học được kí hiệu là PK/PD. Để tối ưu hóa điều trị, tăng khả năng đạt chỉ số Dược động học, Dược lực học khuyến cáo, trong một số trường hợp phải thay đổi liều lượng.
Ví dụ, người mắc bệnh lý nhiễm khuẩn nặng (nhiễm trùng máu do trực khuẩn mủ xanh; nhiễm khuẩn trên người bệnh có dụng cụ nhân tạo,…) thì MIC thường tăng cao nên liều lượng thông thường sẽ không đáp ứng được hiệu quả điều trị. Do đó, cần tăng liều lượng thuốc để đạt được chỉ số Dược lực học và Dược động học theo khuyến cáo.